CÁC BƯỚC GIÚP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ

Cũng như việc làm một hoạt động bất kì nào đó như đưa con đi chơi hay về quên thăm ông bà nội ngoại… chúng ta thường làm theo một chuỗi trình tự nhất định, thậm chí là lên kế hoạch thực hiện và thực hiện trong một thời gian dài. Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng vậy, đây là một quá trình nhiều bước bắt đầu bằng việc đánh giá tiếp theo là lên mục tiêu và chẩn bị công cụ nếu cần sau đó can thiệp, cuối cùng là đánh giá lại kết quả – rút ra những bài học kinh nghiệm rồi tiếp tục với mục tiêu mới….

Đánh giá: “Con đang ở đâu?”. Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là xác định khả năng ngôn ngữ của con đang ở đâu để có thể lên mục tiêu cho phù hợp. Đây là một việc quan trọng bắt buộc phải làm để chắc rằng mình sẽ đi đúng hướng, nó cũng giống như việc ba mẹ biết mình đang ở sân bay và nghĩ tới cách đi ra Dinh Độc Lập vậy. Ví dụ như trẻ đã 3 tuổi mà mới bắt đầu nói, phụ huynh thường có xu hướng nhắc hay dạy con nói hoặc nhiều khi là nói với con quá nhiều khiến các con bị rối hoặc không hiểu gì hết thậm chí là trẻ sẽ thấy việc nói là một áp lực quá lớn rồi né tránh. Đương nhiên việc nói và cung cấp vốn từ cho con là điều quan trọng để tăng vốn từ vựng và hiểu ngôn ngữ của con nhưng nói như thế nào là cả một vấn đề lớn cần đặc biệt chú ý.

Lên mục tiêu: Đừng lên mục tiêu khi chưa biết về mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ, việc làm này sẽ có nguy cơ đưa ba mẹ đi sai hướng hay đơn giản nhất là không giúp ba mẹ đạt được mục tiêu mà lẽ ra mình có thể. Các mốc phát triển ngôn ngữ.

Ba mẹ nên lên mục tiêu ngắn để dễ dàng theo dõi và đánh giá Đừng ôm đồm, nếu con đang được đi can thiệp thì việc tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn là điều cần thiết. Ngoài ra cũng cần ghi nhớ thêm các lưu ý sau:

  1. Cung cấp vốn từ và âm cũng như cách sử dụng cử chỉ điệu bộ để trẻ học giao tiếp ở tuổi phát triển ngôn ngữ trẻ đang đạt (không phải giai đoạn ngôn ngữ ở mức tuổi thật của trẻ). Lên mục tiêu phù hợp với khả năng của con và nhớ là theo tiến trình phát triển thông thường. Nếu con chưa thể giao tiếp bằng cử chỉ như gật, lắc, xòe tay…thì khoan hãy dạy con nói “xin, có, không” quá nhiều. Điều này cũng giống như việc con chưa biết bò thì không thể cho con tập chạy. Việc nói quá nhanh khi không hề có cử chỉ sẽ dễ tạo cho con thói quen bỏ qua cử chỉ điệu bộ và kém nhạy cảm với việc đọc cử chỉ điệu bộ sau này. Tầm quan trọng của cử chỉ điệu bộ

VD: Bé  2 tuổi đang bập bẹ ba ma và chưa nói rõ từ nào, ba mẹ nên tiếp tục chơi bập bẹ ba ma ta cha… cùng con và nói từ đơn kèm cử chỉ với con như vừa nói “ngon” vừa làm mặt vui và gật gù. Ta rất cần“làm quá” các cử chỉ lên để con chú ý rồi bắt chước và sử dụng lại là vừa, nếu không trẻ sẽ khó mà chú ý tới chúng.

  1. Xác định các loại từ cần dạy: Không ai lại đi dạy các tính từ chỉ màu như xanh, đỏ, tím, vàng…cho một đứa trẻ chưa thể nói táo, chuối, sữa… và cũng không có ai dạy giới từ trên, dưới, trong, ngoài cho trẻ chưa thể nói đi, ngồi, chạy… Việc học từ cũng như quá trình học ăn của con món dễ tiêu và đơn giản ăn trước đồ ăn khó tiêu sau 1 thời gian trưởng thành mới tập ăn. Món dễ tiêu nhất ở đây chính là danh từ, động từ và đại từ vì chúng dễ dàng cầm nắm, nhìn và cảm nhận được. Các từ loại khác sẽ được cung cấp sau khi trẻ đã có một vốn từ nhất định.

Công cụ: “cha mẹ cần những công cụ nào để dạy con?”. Xin thưa, câu trả lời ở đây chính là thời gian cha mẹ có thể ngồi xuống và chơi đùa, trò chuyện cùng trẻ. Đương nhiên việc có những đồ chơi đẹp và cuốn hút sẽ rất hiệu quả nhưng nếu không có cũng chẳng sao, cha mẹ hoàn toàn có thể dạy con vô vàn từ vụng thông qua các hoạt động chăm sóc con hàng ngày hoặc sử dụng chính các đồ dùng, đồ chơi trong nhà để chơi đùa với con. Xin nhớ cho rằng chất lượng tương tác mới quyết định kết quả, không phải đồ chơi. Nếu không tin ba mẹ thử đưa cho trẻ món đồ chơi trẻ yêu thích nhất mà xem, khả năng trẻ chú tâm vào đó và quên mất tiêu bạn là ai là cực kì cao.

Can thiệp: “Vào lúc nào?”, tại sao không phải là mọi lúc mọi nơi?. Trẻ sẽ học tốt hơn trong một môi trường tự nhiên và được củng cố thường xuyên. Đương nhiên là việc này sẽ cực kì khó với những trẻ suy yếu nhiều về tương tác, giao tiếp và ba mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy “Nói mà nó chả nghe gì cả” hoặc “Nó không chịu cho mình dạy”. Sự thật ở đây là: “Chúng ta cần phải kiên nhẫn và có chiêu trò”.

  • Làm điều con thích: Chơi với con những thứ con thích, không phải thứ ba mẹ thích “ai là nhân vật chính cần được chú ý ở đây?”. Một sai lầm mà ma bẹ thường mắc phải là muốn con theo ý mình. Cứ kiên nhẫn, từ từ rồi con sẽ theo, nhưng con cần ba mẹ hiểu và theo con trước. Con cần hiểu rằng ba mẹ rất là vui, ba mẹ thú vị và chơi với con những thứ con yêu thích.
  • Để con cần mình. Kiểm soát được môi trường hay sở thích của trẻ là một bước đầu tiên quyết định thành công của việc can thiệp. Điều này không có nghĩa là giữ đồ chơi và cái gì cũng bắt con xin, ạ. Nó được ứng dụng một cách linh hoạt như để đồ lên cao, cho từng chút một, không lấy ra được… để trẻ phải cần tới ba mẹ giúp đỡ. Đây là cơ hội để dạy con về tên đồ vật, ba, mẹ, và các từ hành động như lấy, giúp, mở hay tính từ như cao, cứng…thậm chí là giới từ như trên kệ, trong hộp và vân vân, mây mây các từ khác nữa.
  • Nói rõ – đúng – đủ:

+ Rõ ràng: khi chưa biết nói hoặc ngay cả khi đã biết, trẻ cần nghe được những từ ngữ một cách rõ ràng, chính xác để trẻ học và bắt chước theo. Giọng nói cao, có giai điệu sẽ gây chú ý với trẻ nhỏ, nhưng khi bé lớn hơn và đã nói được cụm từ hoặc câu ngắn, ba mẹ nên nói rõ ràng như thông thường để trẻ học được cách nói chuyện tự nhiên và phù hợp.

+ Đúng: Đúng ở đây không chỉ có nghĩa là đúng từ ngữ pháp mà còn phải đúng tình huống, ngữ cảnh và giai đoạn. Với trẻ tập nói tốt nhất là chỉ lên nói về những gì đang xảy ra, những gì trẻ đang chú ý và thao tác (danh từ, động từ) và nên dùng cố định một từ cho tới khi trẻ học được từ đó . Ví dụ như từ banh và bóng, với trẻ phát triển thông thường thì không thành vấn đề khi ba mẹ nói lúc này lúc khác, nhưng khi con đã gặp khó khăn về ngôn ngữ thì việc đổi từ liên tục sẽ là cả một vấn đề lớn với trẻ.

  • Khen thưởng: Ba mẹ có muốn con nói nữa không? Nếu có, hãy khen thưởng trẻ mọt cách rõ ràng “đúng rồi! bóng, quả bóng”, con nói giỏi lắm hay đơn giản chỉ là gật đầu, vỗ tay hoặc yearh với trẻ.

Giúp con phát triển ngôn ngữ là một chủ đề rộng với vô vàn lưu ý cũng như chiến lược được khuyên sử dụng. Hãy đọc, suy nghĩ, áp dụng và đánh giá, ba mẹ sẽ thấy được đâu là điều phù hợp và cần thiết nhất cho con của mình.

Chuyên viên Tâm lý – Âm ngữ trị liệu Nguyễn Thị Thu