ĐỌC SÁCH CHO TRẺ SỚM TỐT HAY KHÔNG TỐT?

ĐỌC SÁCH CHO TRẺ SỚM TỐT HAY KHÔNG TỐT?

Bậc phụ huynh chúng ta thường nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì chưa cần tập cho trẻ thói quen đọc sách vì “làm sao trẻ có thể hiểu được mà đọc?”. Với các bạn ấy thì còn quá nhiều mối bận tâm, đặc biệt là vẫn đề về dinh dưỡng và ngủ nghỉ. Thật là tốt khi con ăn ngoan, ngủ ngon và khỏe mạnh nhưng đó chỉ là về thể chất. Còn trí tuệ, tinh thần thì sao? Vậy bậc phụ huynh chúng ta hãy cùng xem tác dụng của đọc sách từ những phân tích dưới đây để cùng nhau xem lại nhé!

Đọc sách cho con nghe không bao giờ là quá sớm - Những bộ sách hay ...

  1. Tác dụng của đọc sách:

Giúp tăng gắn kết yêu thương. Điều đơn giản mà chúng ta có thể thấy ngay được là khi đọc sách chính là đã dành thời gian yêu thương cho con trẻ. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tăng khả năng kết nối, tạo nhu cầu về giao tiếp, cử chỉ của con trẻ với bậc phụ huynh.

Giúp phát triển ngôn ngữ hiểu. Việc ba mẹ thường xuyên gọi tên các hình ảnh, nhân vật trong sách sẽ giúp trẻ nhớ và hiểu từ và tập nói lại những thông tin chúng mới được cung cấp sớm hơn cũng như tăng cơ hội nghe và học được nhiều từ mới mà có thể trẻ sẽ không có cơ hội nghe nếu ở trong tình huống không có sách bên cạnh.

Giúp tăng cường khả năng tưởng tượng. Sách cho trẻ và ba mẹ cơ hội trải nghiệm những sự kiện, địa điểm mà mình không cần thật sự trải nghiệm và giúp kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò khám phá của trẻ.

Cải thiện ngôn ngữ diễn đạt. Đọc sách giúp cho trẻ học được nhiều từ ngữ một cách trực quan. Việc nghe và nhìn hình sẽ giúp trẻ nhanh hiểu, ghi nhớ từ mới và nhanh bắt chước theo cha mẹ để nói được tên các hình ảnh trong sách.

Tăng cường khả năng tiền học đường như tiền đọc, tiền viết và các kỹ năng học đường sau này. Xem sách giúp trẻ học được khả năng di chuyển chú ý, dõi theo hình ảnh, lật mở trang sách, nhìn từ trái qua phải, từ trên xuống dưới… đây là những kỹ năng không thể thiếu để trẻ vào được lớp 1. Việc chăm chỉ đọc sách cũng cải thiện kỹ năng viết của trẻ (nghe, nói, đọc, viết là bốn kỹ năng có sự liên kết chặt chẽ và tỉ lệ thuận với nhau).

Vậy đọc sách sớm cho trẻ chắc chắn là một điều tuyệt vời rồi. Nhưng đọc như thế nào để hiệu quả???

  1. Đọc sách như thế nào để mang lại hiệu quả.

Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?

Sau 11 năm làm việc và tư vấn cho cha mẹ đọc sách cho trẻ thì có câu hỏi tôi thường được nghe từ nhiều cha mẹ là “con chưa biết chữ thì đọc sách làm sao trẻ hiểu?” hay “Đọc nhưng trẻ không chú ý lắng nghe”. Với câu thắc mắc thứ nhất, câu trả lời ở đây là trẻ cần nghe và nhìn rất nhiều lần trước khi có thể nói được từ đó. Chúng ta cần hiểu rằng dạy học là cung cấp cho trẻ những điều trẻ chưa biết để thành những điều trẻ biết. Nếu chờ trẻ biết rồi mới dạy thì không còn là dạy nữa. Với câu thắc mắc thứ hai. Có một sự thật hiển nhiên ai cũng thấy và đặc biệt đối với trẻ đó là sách không thú vị bằng điện thoại thông minh, ti vi, máy tính bảng hay những món đồ chơi đầy mê hoặc. Cha mẹ nên học cách bình luận/ nói về tranh sách một cách dễ hiểu nhất với khả năng của con mình. Việc lên xuống giọng, mô tả hình ảnh, thông tin bằng cử chỉ một cách sinh động là điều không thể thiếu. Ví dụ, khi xe hình con voi, cha mẹ hãy làm động tác voi giơ vòi lên bằng tay của mình, tạo tiếng kêu của voi hay giơ hai tay lên cao và vòng một vòng tròn để mô tả con voi “rất to”, khi xem hình con chó hãy làm tiếng chó sủa. Giả bộ cũng làm trẻ thêm hứng thú và tăng khả năng tưởng tưởng của trẻ lên như giả bộ cầm và ăn quả táo và giả bộ đưa táo cho bé ăn. Bắt chước nét mặt và hành động của các nhân vật trong sách cũng là hoạt động thú vị với trẻ.

Có một số trẻ rất thích phim hoạt hình, cha mẹ có thể chọn một số bộ phim có cốt truyện hay và nhiều ý nghĩa để cho trẻ xem và đọc sách cho trẻ nghe sau đó như phim 101 chú chó đốm, mèo quý tộc, đi tìm Nemo, đi tìm Dory, nữ hoàng băng giá…. Điều này sẽ khiến bé hứng thú hơn rất rất nhiều.

Việc đố trẻ tìm một số chi tiết trong sách cũng biến việc đọc sách tưởng chừng cứng nhắc thành một trò chơi vui nhộn hơn. Cha mẹ nên chú ý tới việc liên kết các thông tin giữa các trang sách với nhau hay hướng trẻ tới việc nhìn khái quát toàn bộ trang sách rồi chú ý phân tích các chi tiết nhỏ hơn để cải thiện khả năng quan sát, mô tả, phân tích và tổng hợp thông tin…

Câu từ trong sách thường trình bày dưới dạng văn viết khô khan nên cha mẹ cần chú ý xem con đã sẵn sàng để nghe đọc một số thông tin chưa. Cha mẹ hoàn toàn có thể đọc khác đi một chút giống như kiểu nói chuyện của gia đình giúp cho trẻ dễ hểu và tập trung lắng nghe hơn. Đừng quá lo lắng về việc nhận biết chữ trong sách, đó hoàn toàn là một chủ đề khác và trẻ sẽ sẵn sàng cho việc đọc chữ vào giai đoạn 6-7 tuổi.

Một lưu ý rất quan trọng cần nhớ là cha mẹ phải xem sách trước cuốn sách tính đọc cho trẻ để nắm được nội dung và các chi tiết muốn hướng trẻ tới và dạy cho trẻ. Và điều cuối cùng quan trọng hơn bao giờ hết. cha mẹ cần là những tấm gương về sự đam mê đọc sách bằng việc thường xuyên đọc sách cho trẻ và trước mặt trẻ. Không có gì tuyệt vời hơn để bắt đầu một giấc ngủ ngon bằng việc cả nhà cùng nhau xem một quyển sách trước khi tắt đèn đi ngủ.

 

  1. Chọn sách thế nào cho phù hợp?

Với trẻ dưới 1 tuổi: cha mẹ có thể chọn cho trẻ những loại sách với hình ảnh lớn, màu sắc rõ ràng, đậm nét để tập cho trẻ chú ý đến hình ảnh, dõi theo hình ảnh được di chuyển và lắng nghe một số tên về hình ảnh được xem. Sách cảm giác hoặc sách vải cũng có thể được sử dụng cho những em bé ở độ tuổi này.

Sách cảm giác và sách vải

Trẻ 1-2 tuổi: các loại sách vải, sách âm thanh và cảm giác là một sự chọn lựa tuyệt vời. vì trẻ vừa chơi vừa làm quen với sách và học về những thông tin liên quan như tiếng kêu của con vật, tiếng còi của xe.

Review Sách Vải Cảm Giác Cho Bé Nhà Mẹ Bông | Shop Mẹ Bông - YouTube

Hình minh họa một số tựa sách vải, âm thanh

Trẻ 2-3 tuổi: các loại sách lật mở và truyện với hình ảnh đơn giản sẽ thu hút trẻ. Những loại sách này giúp trẻ học được trình tự của một câu chuyện từ mở đầu, diễn biến và kết thúc. Những cuốn chuyện này cũng giúp trẻ học được nhiều những khái niệm về các môi trường khác nhau hay các hình huống xa hội đầy tính giáo dục.

Những bộ sách tương tác dành riêng cho trẻ chưa biết đọc

Trẻ 3-5 tuổi: ở tuổi này, khả năng chú ý của trẻ đã dài hơn và khả năng hiểu ngôn ngữ và tưởng tượng cũng phát triển tốt, trẻ có thể hiểu các khái niệm mang tính so sánh hơn và so sánh nhất, các giới từ và/ hoặc, các mệnh đề nguyên nhân hệ quả vì-nên và hiểu những câu chuyện có cấu trúc. Cha mẹ có thể cho trẻ làm quan với các câu chuyện cổ tích đơn giản, những cuốn sách dựa theo phim trẻ đã được xem hay xem những cuốn sách về thế giới động vật hay tự nhiên.

Disney Frozen Fever - Nữ Hoàng Băng Giá Cảm Lạnh

Trẻ trên 6 tuổi: đây là giai đoạn trẻ vào lớp 1 và môi trường sống được mở rộng nên trẻ cần nhiều những thông tin khác nhau, cha mẹ có thể cho trẻ xem các loại sách khoa học, bách khoa thư cho trẻ em, atlas hay đọc truyện tranh…

Bách Khoa Trí Thức Cho Trẻ Em: Khám Phá Và Sáng Tạo (Tái Bản 2018)

Sách không chỉ đơn thuần là sách, chúng là đồ chơi với trẻ nhỏ và là kho tri thức vô tận cho thỏa sức khám phá. Việc đọc sách sớm sẽ giúp cho trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức tốt ở giai đoạn trước 6 tuổi và phát triển khả năng tự đọc sách để có thêm nhiều kiến thức khi đi học và trưởng thành. Ngay cả khi chưa biết nói trẻ vẫn có thể học được vô vàn thông tin từ sách. Cha mẹ hãy bắt đầu với những quyển sách nhỏ, gọi tên hình và cho con lật mở để khám phá các trang sách thú vị vài phút mỗi ngày trước giờ đi ngủ hặc lúc rảnh rỗi. Đọc sách cho con cũng như ươm mầm một cây giống nhỏ, cần kiên nhẫn và chăm chỉ, cha mẹ sẽ nhận về hoa thơm và quả ngọt sau này.

Giám đốc: Nguyễn Thị Thu

Cử nhân Tâm lý – chuyên viên Âm ngữ trị liệu

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Nhân Hòa

ĐĂNG KÝ TEST/HỌC CHO TRẺ